Nhà Của Gia Gia - Nhàn Đắc Vô Liêu Đích Tiên Nữ
-
Chương 20: Chương 20
Chọn giọng đọc để nghe truyện audio:
Về đến nhà, Cố Tiêu ngủ ở phòng khách một mình. Tôi lại trằn trọc cả đêm không ngủ được.
Anh phải quay về đi làm, sáng sớm lúc đi, tôi vẫn còn đang ngủ, anh vào phòng tôi, nhẹ nhàng hôn lên trán tôi.
“Anh đi đây, anh sẽ chờ em ở nhà.”
Chỉ một câu đơn giản như vậy, lại khiến tôi không tài nào ngủ lại được nữa.
“Ừ.” Nghe thấy tiếng xe nổ máy dưới lầu, tôi biết anh đã đi rồi.
Anh vừa rời đi, tôi đã bắt đầu nhớ anh rồi.
Tôi bắt đầu day dứt, lúc nãy lẽ ra tôi nên nói thêm một câu: “Lái xe cẩn thận.”
Chỉ là một câu đơn giản như thế, vậy mà tôi lại không nói ra được.
Cái lòng tự trọng đáng thương của tôi.
Lề mề thêm một lúc, tôi cũng dậy, giúp mẹ dọn dẹp nhà cửa.
Có tôi trông chừng Trần Ngọc, mẹ đem hết chăn màn ra giặt rồi phơi lại.
Ba thì ra đồng nhổ cỏ, kiểm tra lại hết hệ thống gas, đường ống nước trong nhà, thay bóng đèn ngoài cửa sáng hơn, đổi luôn cả ổ khóa mới chắc chắn hơn.
Vì có đồ ăn ngon, Trần Ngọc cuối cùng cũng chịu lững thững ra khỏi phòng.
Con bé vẫn thích bắt đủ loại côn trùng ngoài sân, rồi mang lại đặt vào tay tôi, “Chị.”
“Những con thế này không cắn người, những con này cắn thì chỉ đau, không có độc.”
Tôi chỉ vào vài con, dạy con bé phân biệt.
“Còn con này có độc, không được bắt.” Tôi chỉ vào một con ong vò vẽ.
Con bé có vẻ hiểu, nhìn chăm chú vào những con tôi chỉ.
Tôi tưởng nó đã hiểu rồi, ai ngờ nó gom hết tất cả lại nhét vào tay tôi, rồi còn cười với tôi nữa.
Tôi lại muốn mắng nó, nhưng rồi chỉ vươn tay ra, cuối cùng chỉ xoa đầu nó,
“Sau này, chỗ nào có mặc quần áo, tuyệt đối không được để người khác chạm vào. Ai dám chạm, chị sẽ quay lại bẻ gãy tay nó.”
Con bé lại giống như hiểu được, không nói gì.
Giây sau lại tiếp tục chơi côn trùng.
Tôi thở dài, lặng lẽ ngồi bên cạnh.
Hôm sau, tôi và ba quay lại thành phố.
Cuộc sống vẫn như thường lệ.
Mỗi sáng tôi thức dậy, chen chúc trên tàu điện ngầm, đi làm, ăn uống, về nhà, ngủ.
Tôi cảm thấy bản thân như một chiếc đồng hồ lên dây cót, đến giờ thì làm việc gì đó.
Cố Tiêu vẫn chưa quay lại.
Chỉ là, buổi tối anh sẽ gọi điện cho tôi, nếu quá muộn thì sẽ gửi tin nhắn, đơn giản hỏi thăm tình hình của tôi.
Vì sự quan tâm nhỏ bé ấy, tôi bỗng thấy cuộc sống có gì đó để mong đợi.
Tôi bắt đầu lên mạng học hỏi kiến thức về mang thai, bắt đầu dạo các trang mua sắm, chọn lựa đủ thứ đồ dùng cho em bé.
Lập một danh sách những thứ cần mua: tháng này mua gì, tháng sau mua gì…
Dù sao thì tiền tiết kiệm của tôi cũng không đủ để mua hết mọi thứ một lúc.
Chỉ là tôi vẫn chưa biết nên mua loại sách nào, định đợi Cố Tiêu về rồi hỏi ý anh.
Một buổi chiều bình thường, tôi đang vội bắt tàu đến một chi nhánh khác để điểm danh.
Bỗng nhiên nhận được cuộc gọi từ bệnh viện.
“Là Trần Gia phải không?”
“Vâng.”
“Kết quả sàng lọc Down có nguy cơ cao, mời đến bệnh viện lấy báo cáo.”
(Ghi chú: Kết quả sàng lọc Down nguy cơ cao cho thấy thai nhi có khả năng mắc bệnh di truyền bẩm sinh.)
Chỉ một câu đơn giản vậy thôi, mà như tiếng sét đánh ngang tai tôi.
Tôi đứng trong tàu điện ngầm, hết chuyến này đến chuyến khác lướt qua, tôi vẫn không hề nhúc nhích.
Dòng người xung quanh chen chúc lướt qua tôi, va vào tôi, tôi vẫn đứng đờ người tại chỗ.
Tôi không biết cuộc gọi đó đã ngắt từ lúc nào.
Tỉnh táo lại thì phát hiện túi đồ trong tay đã rơi hết xuống đất.
Tôi như mất hồn, lặng lẽ nhặt từng thứ lên.
Chưa bao giờ tôi thấy tim mình hoảng loạn đến vậy.
Tôi lao ra khỏi ga tàu, lần đầu tiên bắt taxi đến bệnh viện.
Trên xe, tôi chỉ mong tài xế lái nhanh hơn nữa, nhanh hơn nữa.
Thật ra tôi rất rõ, có nhanh đến mấy cũng không thay đổi được kết quả đó.
Nhưng trước khi cầm được báo cáo, tôi vẫn nuôi chút hy vọng cuối cùng.
Cuối cùng cũng đến được bệnh viện, chạy đôn chạy đáo một hồi, tôi mới lấy được tờ báo cáo.
Nhìn thấy dòng chữ trên đó: “Nguy cơ cao hội chứng Down”, tim tôi như bị xé toạc.
Tên không sai, kết quả không sai—mọi chuyện đã rõ ràng.
Tôi ngồi trên ghế chờ của bệnh viện, ôm lấy bản báo cáo, hồi lâu mới đứng dậy đi tìm Cố Tiêu ở phòng cấp cứu.
“Cho hỏi bác sĩ Cố có ở đây không?” Tôi hỏi y tá.
Phòng cấp cứu hỗn loạn vô cùng.
Y tá vội vàng nói với tôi:
“Cô tìm bác sĩ Cố có chuyện gì? Anh ấy đang cấp cứu trong phòng mổ.”
Tôi thấy từng nhóm người chạy vội vã, từng bệnh nhân được đưa vào, tiếng khóc, tiếng la hét hòa vào nhau.
“Không… không có gì.”
Y tá không kịp để ý đến tôi, vội vàng chạy đi làm việc.
Lúc này tôi mới biết, đường Tân Kiều xảy ra một vụ tai nạn giao thông liên hoàn.
Có lẽ anh ấy lại phải bận rộn thêm mấy ngày nữa.
Vịt Bay Lạc Bầy
Tôi lê bước, tự mình bắt xe về nhà.
20.
Về đến nhà, tôi thay giày rồi ngồi đờ ra đó.
Cho đến khi ba tôi trở về, thấy tôi ôm đầu ngồi co quắp trên sàn, ông vội vàng đỡ tôi dậy, lo lắng hỏi:
“Cãi nhau à?”
Tôi lắc đầu.
“Mất việc rồi?”
Tôi vẫn lắc đầu.
“Rốt cuộc là có chuyện gì? Con đừng làm ba sợ.”
Ba tôi còn chưa kịp thay đồ, đã ôm chặt lấy tôi.
“Ba… kết quả sàng lọc Down của con… là nguy cơ cao.” Tôi vừa khóc vừa nói.
“Ý là sao?”
“Là… là đứa bé có khả năng bị thiểu năng… giống… giống Trần Ngọc.”
Cơ thể ba tôi khựng lại, lần đầu tiên ông ngồi phịch xuống như mất hết sức lực.
Ông ngồi ngây ra đó bên cạnh tôi, hồi lâu không nói câu nào.
Cuối cùng, ông tháo mũ bảo hộ ra, đặt sang bên cạnh.
“Ba…” tôi gọi ông.
Ông không đáp. Tôi thấy ông đang lau nước mắt, ngẩng đầu lên thì phát hiện ông đã khóc nức nở, nước mắt giàn giụa.
Tôi vô cùng kinh ngạc. Trong ký ức của tôi, từ nhỏ đến lớn, ba tôi nhiều lắm cũng chỉ cau mày, tôi chưa từng thấy ông rơi nước mắt.
Mẹ tôi vì bệnh của Trần Ngọc mà đòi ly hôn, ông cũng không khóc.
Ngay cả khi bác sĩ nói Trần Ngọc không thể chữa được, suốt đời không thể tự lo cho bản thân, ông cũng không rơi một giọt nước mắt.
Ông giống như một ngọn núi vững chãi không bao giờ sụp đổ, năm này qua năm khác canh giữ cho chúng tôi.
Thế mà bây giờ, ông lại khóc vì đứa con trong bụng tôi—khóc như một đứa trẻ.
Tôi đau lòng vô cùng.
Nhưng tôi không biết phải làm sao, chính tôi còn không biết mình nên làm gì, càng không biết phải an ủi ông ra sao.
Thế là hai ba con cứ ngồi yên lặng như vậy.
Khóc một lúc, ba tôi lau nước mắt, đứng dậy.
“Dậy đi.” Ông đỡ tôi dậy.
Tôi không chịu đứng.
Ông liền cúi xuống bế tôi lên.
“Gia Gia, trên đời này không có cái khó nào không vượt qua được.”
Tôi cúi đầu không nói.
“Bây giờ y học phát triển rồi, nếu thực sự không được… thì đứa bé này… các con vẫn còn trẻ, vẫn còn có thể có nhiều đứa con khác.”
Tôi vẫn không nói gì.
Ba kéo tôi ngồi xuống ghế sô pha, rồi tự mình vào bếp bận rộn.
Không biết đã bao lâu, ông lại kéo tôi ra bàn ăn, bảo tôi ăn cơm.
“Con ăn không nổi…” Tôi nhìn mâm cơm đầy trên bàn mà nước mắt cứ trào ra.
Ba tôi thở dài, đứng dậy ra ban công gọi điện thoại.
Không biết ông gọi cho ai, cũng không biết nói gì.
Gọi xong, ông quay lại bàn ăn, nhìn tôi.
“Gia Gia.” Ông gọi tên tôi.
“Những gì con đã trải qua, ba mẹ cũng từng trải qua.”
“Hồi đó ba mẹ làm công trình xây dựng, ba không có học, mẹ cũng không có học, ở nông thôn ngày xưa có mấy ai đi khám thai đâu?”
“Chúng ta chỉ thấy bụng mẹ con ngày một lớn, nghĩ rằng mẹ ăn ngon, thì con sinh ra cũng khỏe mạnh.”
Ông ngừng lại một chút rồi nói tiếp:
“Sau đó, em con ra đời, trắng trẻo mập mạp, ai nhìn cũng thích.”
“Nhưng chưa đến nửa tuổi, nó hay bất ngờ thiếp đi, giống như điện thoại bị sập nguồn, mấy chục giây sau lại tỉnh lại như không có gì.”
“Ba… không để tâm, không đưa đi bệnh viện.”
“Cho đến một ngày, thời gian ‘sập nguồn’ của con bé ngày càng dài, chúng ta mới bế nó đi khám, bác sĩ nói là động kinh, cả đời không chữa được…”
Ba tôi đưa tay che mặt, tôi không nhìn thấy biểu cảm của ông.
“Ba có hối hận không?” Tôi bình tĩnh hỏi.
Năm đó tôi học lớp 12, ba mẹ ra ngoài làm thuê, để tôi ở lại với ông bà nội.
Ông bà nói ba mẹ đi kiếm tiền để lo cho tôi học đại học.
Nhưng hàng xóm lại bảo mẹ tôi đi sinh em bé.
Tôi còn không tin, cho đến ngày thi đại học, tôi trở về nhà, thấy mẹ nằm trên giường, bên cạnh là em gái mới sinh.
Khoảnh khắc đó, tôi cảm thấy mình bị phản bội.
Tôi đã oán hận ba mẹ suốt một thời gian dài.
“Hối hận.” Ba tôi trả lời dứt khoát.
Tôi có chút ngạc nhiên, ngạc nhiên vì sự thẳng thắn của ông.
“Sau này ba nghe nói, bệnh này có thể phát hiện trong thai kỳ, có thể chọn không giữ đứa bé.”
“Cũng nghe nói nếu phát hiện sớm, đưa đến bệnh viện lớn ở Bắc Kinh thì khả năng chữa khỏi rất cao.”
“Gia Gia, ba không hối hận vì đã chăm sóc em con cả đời, dù con bé có thế nào cũng là con của ba.”
“Ba chỉ hối hận vì đã bỏ lỡ biết bao cơ hội giúp con bé khỏe mạnh.”
“Ba học ít, ba không biết, nên mới khiến em con khổ, khiến cả nhà khổ.”
“Là lỗi của ba.”
Một câu “là lỗi của ba” khiến tôi nghẹn ngào.
Tôi đã chờ câu này rất lâu.
Tôi luôn nghĩ, cuộc đời khổ cực của tôi là vì ba mẹ sinh con thứ hai.
Nên trong lòng tôi luôn có khúc mắc.
Tôi cứ nghĩ, chỉ cần nghe được câu này, tôi sẽ thấy nhẹ nhõm hơn.
Nhưng không, ngược lại tôi chỉ thấy xấu hổ vì bản thân.
Ba là người cha tốt, luôn luôn như vậy—chỉ là tôi quá ích kỷ.
Tôi không nói gì.
Tôi nghĩ mình nên an ủi ba, ông đã sống cả đời vất vả, lại bị số phận trêu ngươi, sống không dễ dàng chút nào.
Nhưng tôi chẳng thốt ra lời nào.
“Lúc con kết hôn, ba mẹ của Cố Tiêu có thể nghĩ con có mục đích, làm khó dễ con, nghi ngờ con, ba đều hiểu cả. Nhưng ba tin con, con không phải loại người đó. Nhà họ Trần chúng ta luôn sống đàng hoàng, dù có khó khăn cũng phải sống cho tử tế.”
“Nhà họ chẳng ai đến chăm con, quan tâm con, điều đó mới là điều khiến ba đau lòng nhất.”
“Ba có khổ, có mệt, cũng sẽ chăm sóc con thật tốt.”
“…Ba, đừng nói nữa…” Tôi đã khóc đến mức nước mắt nước mũi tèm lem.
Lớn thế này rồi, đây là lần đầu tiên ba tôi nói chuyện từ tận đáy lòng như vậy.
“Được rồi, ba không nói nữa. Nhưng câu cuối cùng.”
“Ba có thể chăm sóc con mười năm, hai mươi năm. Nhưng sau khi ba không còn nữa, ai sẽ chăm con?”
“Con tuy thông minh, nhưng chuyện này lại hồ đồ. Tiểu Cố là người tốt. Hôn nhân là hai người nương tựa vào nhau, thật lòng đổi lấy thật lòng mới đi được lâu dài. Người sống với con cả đời là cậu ấy, không phải ba.”
Tôi lặng lẽ lắng nghe, lần đầu tiên bắt đầu nghiêm túc suy nghĩ về mối quan hệ giữa tôi và Cố Tiêu.
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook