Công Chúa Không Dễ Dàng: Tương Ly Thảo
-
Chương 1: Chương 1
Chọn giọng đọc để nghe truyện audio:
Một - Chuyện hoang đường của tiền triều
Từ nhỏ ta đã được sủng ái nhất, bởi ta là Công chúa duy nhất trong cung.
Theo truyền thuyết, triều Đại Ngu bị nguyền rủa bởi tiền triều, vì vậy các Công chúa trong cung khó lòng sống sót, hoặc khó sinh, hoặc chết non, hoặc mất sớm. Cho đến nay chưa có Công chúa nào sống quá hai mươi lăm tuổi.
Năm nay ta mười lăm tuổi, cũng coi như là đã sống được khá lâu rồi.
Thế nhưng từ trước cho đến nay Đại Ngu cũng chỉ mới trải qua bốn đời Hoàng đế, vẫn còn cơ hội phá bỏ lời nguyền và nuôi dưỡng được một vị Công chúa sống thọ trăm tuổi.
Ngươi hỏi có phải ta sắp chết rồi không ư? Ta không biết, ta không biết mình là một hồn ma ngắn ngủi đã thích ứng với lời nguyền, hay là người may mắn có thể phá vỡ lời nguyền.
Lời nguyền của triều Đại Ngu bắt nguồn từ việc vị Hoàng đế khai quốc đời thứ nhất đã dùng chính nhi nữ của mình để lật đổ tiền triều - nước Ngụy.
Nước Ngụy là một triều đại kỳ lạ, ở đó cực kỳ trọng nam khinh nữ.
Theo ghi chép trong tác phẩm "Tiền Ngụy Quái Đản Ký" của một văn nhân triều này:
Từ Hoàng hậu đến nữ nhân nông thôn của triều Tiền Ngụy, khi sinh nữ nhi phải lấy tro đen bôi mặt ba ngày, rồi dùng nước mắt rửa đi, tục đó gọi là "tẩy hối".
Nếu không khóc được, dù phải châm kim hay ngửi giấm chua, họ cũng phải kích cho ra nước mắt, nếu không cả nhà sẽ không vui.
Do đó, đa số gia đình sinh nữ nhi đều thẳng tay dìm chết, để tránh phiền phức của việc tẩy hối.
Qua nhiều đời, dân số triều Ngụy ngày càng suy giảm, không còn cách nào khác đành ban hành "Lệnh cấm dìm nữ nhi", ai dìm nữ nhi sẽ bị đánh ba mươi trượng, đày đi một nghìn dặm; tái phạm sẽ bị đánh tám mươi trượng, đày đi ba nghìn dặm.
Tuy nhiên lệnh cũng chỉ là một tờ giấy trắng, phong tục dìm chết nữ nhi vẫn chưa dừng lại, thậm chí còn xuất hiện tục "mượn củi" lưu hành khắp nơi.
Khi một nhà có người sinh nở, hàng xóm bên cạnh sẽ hỏi có củi không, hôm nay không có củi, mong được giúp đỡ một chút.
Nếu sinh nam nhi, họ sẽ trả lời rằng nhà ta cũng không có củi, nhưng có một chén rượu mừng.
Nếu sinh nữ nhi, họ sẽ nói có thể cho mượn một bó nhỏ. Rồi cuốn đứa bé vào trong củi, để hàng xóm ném vào bếp lò.
Họ cho nhau mượn củi, đồng lòng che giấu, lý trưởng nơi đó đều xem như không thấy.
Trong làng chỉ có người giàu có mới nuôi một hai nữ nhi, chủ yếu dùng để kết thân với các hào môn thế gia khác. Hoặc người nghèo có ba nam nhi, giữ lại một nữ nhi để làm việc giặt giũ quét dọn.
Nữ nhân triều Ngụy chỉ chú trọng việc nữ công may vá, hiếm có người nào biết chữ biết văn. Ngay cả trong hậu cung của Hoàng đế cũng không hiếm gặp cảnh phi tần, hay thậm chí là cả Hoàng hậu không biết chữ nào.
Trong hậu cung, dù có lệnh cấm làm hại huyết thống hoàng gia, nhưng thực tế rất ít bé gái có thể sống sót.
Có thầy phù thủy có thể dùng một loại hoa kỳ lạ để phân biệt giới tính thai nhi trong bụng phụ nữ mang thai. Cách thức cụ thể rất bí mật, chỉ biết có câu 'xanh giữ đỏ bỏ', mỗi lần xem phải tốn rất nhiều tiền.
Trong hậu cung triều Ngụy ai cũng chuẩn bị rất nhiều tiền, sau khi có thai họ sẽ nhanh chóng tìm thầy phù thủy để đi xem xem, có người vì nhiều lần hoa hiện màu đỏ mà liên tục sảy thai mà chết.
Suốt một quãng thời gian triều Ngụy ghét đỏ thích xanh, phụ nhân đều mặc váy xanh, cài hoa xanh, bôi son môi xanh, thoa phấn mặt xanh, khắp phố khắp cung đều như ma quỷ.
Đến đời Hy Tông - vị Hoàng đế cuối cùng của triều Ngụy, hậu cung đã xanh đến mức không chịu nổi, trong cung toàn là dạ xoa mặt xanh, nên dù ông ta có bản tính háo sắc nhưng còn trẻ đã mất hứng thú với dụ.c v.ọng.
Hai - Thái Tổ trở nên giàu có
Thái Tổ Đại Ngu là vị anh hùng khai sáng ra triều Đại Ngu ta.
So với những lời thuật lại chính thống và trang trọng trong sử sách chính thức, ta lại thích những mô tả trong dã sử dân gian hơn. Nó khiến ta cảm thấy vị tổ tiên này của ta quả thật không phải người tầm thường.
Dã sử dân gian viết rằng:
Tống Tường Dận - Hoàng đế khai quốc của triều Đại Ngu, xuất thân từ một gia đình quan võ trung lưu của Tiền Ngụy, từ nhỏ đã thích du ngoạn, sau khi trưởng thành đã theo một con thuyền lớn ra khơi.
Con thuyền lớn này do nam nhi của một gia đình thợ thủ công đóng, chưa từng có trước đây, nó neo đậu tại huyện Gia Lễ thuộc Đông Quận.
Người Đông Quận giỏi buôn bán trên biển, ban đầu nghề này vẫn luôn bị các gia tộc quan lại và quý tộc khinh thường.
Nhưng mà mỗi nhà đều có nhiều nam nhi, dù là gia tộc rất giàu có thì cũng khó lòng phân chia tài sản.
Các đại thần trong triều nghe nói buôn bán vượt biển có thể kiếm được rất nhiều tiền, họ lập tức gạt bỏ thái độ khinh thường, lần lượt ủng hộ chi phí ra biển.
Trong số con cái các nhà, những người không cam chịu tầm thường, được chia tài sản ít ỏi, hoặc là con thứ, đều tự nguyện xung phong làm người đi thám hiểm.
Tống gia con cái đông đúc, hơn nữa gia đạo đã suy vi, nên để mặc Tống Tường Dận đi biển xa chứ không hỏi han gì.
Trên biển mênh mông, thuyền đi không dấu vết, hơn mười năm không có tin tức gì.
Không ngờ một ngày thuyền quay về, trong thuyền toàn là châu báu lạ lẫm, Tống Tường Dận ôm một mỹ phụ từ vùng đất lạ trong lòng, còn mang theo một nữ nhi.
Những người cùng đi biển cũng có nhiều người cưới thê tử nước ngoài, sinh con cái, có cả nam lẫn nữ, bọn họ đều giữ lại hết.
Người triều Ngụy nghe thấy đều chê cười, giữ lại hết nữ nhi, thật là trái với lẽ thường, dù châu báu có giá trị liên thành cũng chẳng có tiền đồ gì!
Tống gia nghe tin cũng cảm thấy không vui, hỏi ông giữ nữ nhi làm gì, sao không sinh nhiều nam nhi.
Tống Tường Dận đáp, nữ nhi của ta có công dụng lớn. Mẫu thân nàng là nữ nhi thương nhân giàu có ở ngoại quốc, phụ nhân nước đó biết viết biết tính toán, lại khỏe mạnh xinh đẹp, không có nam nhi có thể nuôi như nam nhi, để sau này cưới phu quân là được.
Tống gia nghe xong đều kinh hãi, cho rằng đây là những lời nói trái đạo lý. Tống Tường Dận không quan tâm, tiếp tục nói:
“Nữ nhi của ta đã mười tuổi, dung mạo cực kỳ xinh đẹp, chỉ cần dạy nó ca múa thư họa quanh năm suốt tháng, dâng cho Hoàng đế ắt có công dụng lớn.”
Người Tống gia ai nấy cũng chê cười, hậu cung còn chưa có nam nhi, ca múa thư họa có sinh được nam nhi không? Tống Tường Dận chỉ cười mà không đáp.
Nữ nhi này có nhũ danh là Tống Tuyết Ngọc, khác với các nữ nhân triều Ngụy thường đặt tên là Nghinh Nhi, Phán Đệ, tên của nàng rất đẹp nhưng vẫn không đẹp bằng người. Mười lăm tuổi, phụ thân nàng đưa nàng vào cung. Lúc này Tống Tường Dận đã có thêm một nam một nữ, người khác đều cười nói ông là một cây độc mầm hai bó củi.
Tống Tường Dận làm như không nghe thấy, sau khi nữ nhi vào cung, chẳng mấy chốc nàng đã được Hoàng đế sủng ái cực kỳ, sủng ái tới mức chưa từng có. Tống Tuyết Ngọc có thể mặc váy đỏ đi lại trong cung, không ai dám nói một lời nào.
Ba - Tống Tuyết Ngọc
Tống Tuyết Ngọc, vị nữ tử kỳ lạ, tổ tiên của ta, đã lập được công lớn trong việc xây dựng triều Đại Ngu, nhưng cả đời luôn sống trong lời chửi rủa “yêu nữ”.
Cuối cùng, bà cô đơn một mình rồi qua đời trong chùa Thanh Lương.
Đây là một ngôi chùa chỉ có ni cô, là nơi chuyên thu nhận những phụ nhân mệnh khổ không có con ở kinh thành Tiền Ngụy. Trong kinh thành Tiền Ngụy có một câu mắng người rằng "đưa ngươi đến Thanh Lương".
Tống Tuyết Ngọc không có con, trước khi Thái Tổ Tống Tường Dận đưa bà vào cung, ông sợ bà có con sẽ dễ mềm lòng dao động nên đã cho nữ nhi uống thuốc đoạn tử từ lâu.
Nhằm không để việc không có con trở thành điểm yếu của Tống Tuyết Ngọc, Thái Tổ Tống Tường Dận đã sắp đặt để Ngụy Hy Tông gặp nguy hiểm, nhờ đó Tống Tuyết Ngọc đóng vai mỹ nhân cứu quân vương. Cuối cùng việc Tống Tuyết Ngọc không thể sinh con đã biến thành hậu quả của việc cứu Hy Tông dẫn tới cơ thể khó mang thai.
Những chuyện xảy ra sau khi Tống Tuyết Ngọc khó mang thai được ghi chép rất rầm rộ trong sử sách.
Ở Tiền Ngụy, ngay cả những người chính thê xuất thân từ gia đình quý tộc, nếu không có con, dù có thể nhận con của thiếp làm con mình nhưng bản thân cũng phải bôi tro đen lên mặt, rồi để đứa con nhận nuôi dùng khăn lau sạch, việc này gọi là "trừ hối".
Và sử sách có ghi chép, để đền đáp ơn cứu mạng của Tống Tuyết Ngọc, Ngụy Hy Tông đã giết hết tất cả phi tần sinh nhi tử, rồi mang tất cả những đứa trẻ đó cho Tống Tuyết Ngọc nhận nuôi.
Ngày Thái Tổ Tống Tường Dận đủ thế lực đến ép cung, đã cho người trong cung giết sạch các Hoàng tử trong cung của Tống Tuyết Ngọc.
Tất nhiên, việc này được viết lại trong sử sách là, do Ngụy Hy Tông ngược đãi cung nhân, từ đó cung nhân đã nhân lúc hỗn loạn mưu sát tính mạng của các Hoàng tử.
Có người nói, Tống Tuyết Ngọc bước ra khỏi hoàng cung với một thân đầy máu tươi, trước khi chết Ngụy Hy Tông vẫn còn gọi tên bà, nhưng bà lại đang giúp những kẻ ám sát trong cung giết các Hoàng tử.
Cũng có người nói, trong cung Ngụy có một phi tần địa vị rất thấp, không có tiền mời thầy phù thủy nên sinh được một nữ nhi, không ai để ý tới, ngay cả Ngụy Hy Tông cũng không biết có đứa trẻ này. Khi thành cung bị phá, vị phi tần cấp thấp này đã ôm nữ nhi nhảy xuống từ nơi cao nhất của cung thành, miệng còn nguyền rủa:
Nữ nhi Tống gia là tai họa. Sinh nữ nhi ắt yểu mệnh.
Những người già cả còn sót lại của triều Ngụy nói, đây cũng không tính là lời nguyền độc ác gì, dù gì thì nếu sinh nữ nhi rồi chẳng phải cũng sẽ bị "mượn củi" đó sao.
Nhưng triều Đại Ngu lại khác. Những vị quan ở dưới trướng của Thái Tổ Tống Tường Dận là những huynh đệ từng vượt biển với ông, những người huynh đệ này có rất nhiều người cưới thê tử nước ngoài giống như ông, không chỉ nhận được sự ủng hộ về tiền bạc, mà còn có được nguyên liệu hợp kim tốt để chế tạo vũ khí từ nước ngoài.
Những người nữ nhân nước ngoài này giỏi kinh doanh, vụ làm ăn lớn nhất họ đầu tư chính là để nam nhân của họ tạo ra một triều đại mới.
Vì vậy những quý phụ khai quốc của triều Đại Ngu đều là những người tuyệt đối không chịu "bán rẻ" bản thân.
Nữ nhi của họ cũng đều được tạo ra một cách rất dụng tâm, vừa mang tính chất hàng hóa vừa mang tính chất thương nhân. Một mặt phải trở thành báu vật trong mắt nam nhân, mặt khác họ phải khiến nam nhân của mình bước vào thế giới quyền lực để tranh đấu.
Những thanh niên ban đầu theo Thái Tổ Tống Tường Dận tạo phản, trong nhà của họ đều có một nữ nhi nước ngoài sở hữu dung nhan diễm lệ và biết nói những lời ấm áp, dáng vẻ yêu kiều và quyến rũ của họ khiến những nữ nhân triều Ngụy chỉ biết khúm núm, vừa ghen tị vừa ganh ghét, nhưng cũng đành chịu.
Sau khi Đại Ngu được thành lập, các phu nhân nước ngoài lần lượt mở ra những cơ sở dạy dỗ nữ nhân như Dục Tú Các hay Chung Linh Đường.
Ban đầu chỉ có vài người tham gia, những người già cả còn sót lại của Tiền Ngụy chửi những nữ tử đến nơi này là "củi mục". Tuy nhiên, sau khi một số nữ nhân đã được học dạy dỗ thành công gả vào nhà của những người mới lên làm quý tộc hoặc vào cung làm phi tần, số lượng người tham gia bắt đầu đột ngột thay đổi.
Những người nữ nhi của triều Đại Ngu đã trở nên hữu dụng đối với gia tộc.
Đương nhiên Công chúa cũng rất hữu dụng, nhưng những Công chúa có thể sống yên ổn đã không còn nữa.
Bốn - Phò mã...
Khi ta mới chào đời, cả cung đều nhìn ta với ánh mắt đầy lo lắng, còn phụ hoàng thì chọn cách tránh mặt, không gặp ta.
Nghĩ cũng phải, nếu như mình đã biết rõ đứa trẻ này chắc chắn sẽ chết, có người sẽ chọn cách cứng rắn, thà không yêu thương nó ngay từ đầu còn hơn.
Nghe người ta kể, mẫu hậu đã ôm ta và lẩm bẩm rằng, cứ coi như nuôi mèo nuôi chó vậy, nuôi tốt lắm cũng chỉ sống được tám đến mười năm, mỗi ngày để nó ăn no ngủ kỹ là được.
Phụ hoàng không gặp ta, nhưng ngài luôn ban cho ta những thứ tốt nhất trong cung, các huynh đệ có đồ chơi gì cũng đều mang đến cho ta. Ta không biết trong sự sủng ái này, có bao nhiêu phần của sự thương hại.
Sau này, khi ta sống qua mười tuổi vẫn nhảy nhót vui vẻ trong Ngự Hoa Viên, cuối cùng có một ngày phụ hoàng ôm ta vào lòng, nghiêm túc nhìn ta rồi nói, đợi con qua sinh thần mười lăm tuổi, phụ hoàng sẽ chọn cho con một phò mã tốt.
Lúc đó không ai để ý câu nói này cả, biết đâu ngày nào đó ta sẽ đột nhiên ngỏm củ tỏi thì sao.
Nhưng, khi ta vô tư sống qua sinh nhật mười lăm tuổi, những nam tử nhà quý tộc ở ngoài cung có tuổi tác tương đương với ta đột nhiên lần lượt đính hôn và thành thân.
Ta hiểu, giống như nữ tử không muốn làm góa phụ, nam tử cũng chẳng muốn làm quả phu.
Thư đồng của ta, Mạnh Du Du, kể rằng đệ đệ nàng ấy nghe người khác bảo Công chúa từng nói muốn làm tỷ muội với Du Du, nhưng thực ra có ý là muốn làm tẩu tử, đệ muội với Mạnh Du Du.
Bởi vì quá hoảng sợ, nên đệ đệ của nàng ấy đã gấp rút thành hôn. Đêm động phòng hoa chúc, khi vén khăn che mặt lên, hắn mới phát hiện tân nương là một người vô cùng xấu xí.
Mạnh Du Du nói, lúc đó đệ đệ của nàng ấy đã không còn giữ thể diện được nữa, hắn chạy ra sân nhìn trời khóc lớn, liên tục dậm chân, miệng còn hét lên:
"Công chúa hại người, sao không chết sớm đi!!!"
Sau đó, hắn bị Mạnh tướng tát một cái đến hoa mắt chóng mặt, không phân biệt được đông tây nam bắc. Cuối cùng bị giam trong từ đường, ba ngày chỉ được uống nước thay cơm.
Ta nghe xong thì cười sặc sụa, cười không thể dừng, cười đến mức chảy cả nước mắt.
Mạnh Du Du thở dài nói: "Đúng là có trái tim bao dung như biển cả, không hổ danh Vĩnh Lạc."
Vĩnh Lạc là phong hiệu của ta, phụ hoàng và mẫu hậu đều có cùng suy nghĩ, hy vọng ta vui vẻ được ngày nào hay ngày đấy, có lẽ họ hy vọng khi ta chết vẫn có thể cười mà ra đi.
Ta nói với Mạnh Du Du, đệ đệ của nàng ấy không có tướng mạo gì đặc biệt, lại còn thích lui tới lầu Bất Như Vi Xướng, lấy người xấu xí cũng là làm nhục người ta rồi.
Lầu Bất Như Vi Xướng là một kỹ viện nổi tiếng, có lịch sử hơn trăm năm, và đã rất nổi tiếng từ thời Tiền Ngụy.
Vốn dĩ ban đầu nó không có cái tên kiêu ngạo cực đoan như vậy, có lẽ cùng lắm cũng chỉ là "Lầu Xuân Hoa" hay "Lầu Như Nguyệt" gì đó thôi.
Nhưng kỹ viện ở triều Ngụy rất thịnh vượng, thịnh vượng đến nỗi thời kỳ đầu triều Đại Ngu có người bình luận rằng dù triều Đại Ngu có ngàn điều tốt đẹp, nhưng mấy tửu lâu kỹ viện này vẫn còn kém chút ý vị so với triều Tiền Ngụy.
Nam giới triều Ngụy quản giáo các thê thiếp trong nhà cực kỳ nghiêm khắc, nhưng lại vô cùng hào phóng vung tiền tại nơi phố hoa ngõ liễu.
Các kỹ viện thời đó cũng thực sự rất phóng khoáng, mỗi tháng khi trời ấm họ đều tổ chức một buổi dạ hội mông lung, tức là các kỹ nữ hàng đầu của mỗi lầu sẽ mặc y phục làm từ vải mỏng, múa trước lầu của mình trong đêm trăng tròn, quả thực là như ẩn như hiện, quyến rũ vô cùng.
Những người giàu có sẽ tranh nhau trả giá, ai trả giá cao nhất sẽ được vào phòng Noãn Hương ba ngày. Mỗi lầu đều có phòng Noãn Hương của mình, cũng đều có những đặc trưng riêng, bên trong có đủ loại trò vui mới lạ do các kỹ nữ luân phiên tiếp đãi, muốn chơi trò gì đều có thể chơi trò đó.
Nam nhân triều Ngụy có một câu châm chọc người khác là ‘ngươi có bản lĩnh thì vào phòng Noãn Hương đi’. Có thể thấy, sức hấp dẫn của phòng Noãn Hương lớn đến mức nào.
Triều Ngụy có lệnh cấm hoàng tộc, tông thất, quan viên có chức vụ và học trò học cung không được vào phòng Noãn Hương. Ai vi phạm sẽ bị đánh hai mươi trượng, giam trong ngục trăm ngày, quan viên thì bị giáng chức hoặc cách chức, còn học trò thì năm năm không được thi cử.
Tuy nhiên, điều này chỉ là hình thức. Ngoài Hoàng đế thực sự tuân thủ pháp lệnh này, cả đời không vào được phòng Noãn Hương ra, còn những người khác thì...
Năm - Lầu Bất Như Vi Xướng
Là một Công chúa triều Đại Ngu, sao ta lại hiểu rõ chuyện phố hoa ngõ liễu của triều trước như vậy? Điều này chủ yếu là vì những người già cả còn sót lại của Tiền Ngụy thích viết những bút ký tạp lục. Theo lý mà nói, chúng đều là sách cấm, nhưng triều Đại Ngu cấm những văn tự này một cách rất qua loa, có lẽ vì họ cho rằng mọi việc của Tiền Ngụy đều hoang đường, không đáng để tâm. Các huynh đệ của ta cũng thích giữ lại vài quyển để xem cho vui, đương nhiên ta cũng vô cùng thản nhiên, trơ trẽn giơ tay đòi họ lấy cho mình.
Trong đêm tối gió to, cung nữ Nguyệt Lang của ta sẽ đọc chúng cho ta nghe, lúc ấy cảm giác rất riêng, rất đặc biệt.
À đúng rồi, ta quên nói lý do vì sao lầu Bất Như Vi Xướng lại có tên như vậy. Nghe nói, một nam tử triều Ngụy si mê một kỹ nữ của lầu này, nên hắn đã tiêu tốn vô số bạc trên người nàng ấy, là khách quen của phòng Noãn Hương.
May mắn thay, người này là một thương nhân giàu có nên số bạc kiếm được còn nhanh hơn số bạc hắn tiêu, nhờ thế mới không vì mỹ nhân mà táng gia bại sản.
Nhưng mà, nam nhân này cứ động một chút là thổ lộ chân tình, muốn chuộc thân cho kỹ nữ. Không ngờ kỹ nữ nghe xong lại thay đổi sắc sắc mặt, nhổ nước bọt một cái rồi nói:
"Vào vườn sau nhà ngươi không thấy ánh mặt trời, chỉ nghĩ đến chuyện sớm ngày sinh con, nếu không may phải tẩy hối, e rằng ta còn phải tự tay gi.ết ch.ết đứa con của mình, cho dù giữ lại thì suốt ngày cũng chỉ có thể than ngắn thở dài. Bây giờ ta như thế này thì vẫn còn có người vì ta mà tiêu xài hào phóng, có thể được vui vẻ vài ngày, dù có ngày ta không sống nổi thì đi nhảy xuống hồ, nhảy lầu, cắt cổ, cũng là một cái chết thống khoái, còn hơn làm thê làm thiếp phải nhịn nhục chịu đựng, không bằng làm kỹ nữ!"
Không hiểu sao nam tử đó nghe xong lại không chịu được, cuối cùng một ngày nọ hắn rút đao gi.ết ch.ết kỹ nữ này, rồi tự sát vì xấu hổ.
Gây ra một chuyện như vậy, lẽ ra việc làm ăn phải ảm đạm, ai ngờ ông chủ lập tức đổi tên lầu thành "Bất Như Vi Xướng", danh tiếng vang dội một thời, việc làm ăn cũng nhờ thế mà càng ngày càng phát đạt hơn.
Có người già cả còn sót lại phỉ báng nói, trước khi vào cung yêu nữ Tống Tuyết Ngọc đã bị phụ thân gửi vào lầu Bất Như Vi Xướng, học được một số bản lĩnh không thể để lộ ra ngoài ánh sáng, nên nàng mới có thể khiến Hoàng đế mê mẩn mình đến thế.
Thậm chí có người còn thương xót nói rằng, đáng thương thay cho Ngụy Hy Tông, miếu hiệu là Hy, bị người ta châm chọc vì ham mê nữ sắc và hưởng lạc mà mất nước, thực ra nếu ông ta có thể vào phòng Noãn Hương vài lần, thì há có thể bị mê hoặc bởi chút bản lĩnh của yêu nữ Tống gia cơ chứ.
Lầu Bất Như Vi Xướng còn gây ra rất nhiều vụ án mạng khác, vụ kỳ quặc nhất là thực sự có quan lớn lén lút đưa nữ nhi của mình vào lầu học cái gọi là "bản lĩnh", sau đó nữ tử này không chịu nổi nhục nhã nên đã cắn lưỡi tự vẫn. Nghe bảo vị quan lớn này còn đứng bên cạnh thi thể nữ nhi vừa dậm chân vừa mắng:
"Tống Tuyết Ngọc làm được, sao ngươi không làm được?"
Nghe nói đêm đó, vị quan lớn này đã vì bệnh tim mà chết tại nhà.
Trải qua nhiều sóng gió như vậy, thậm chí cả sự thay đổi triều đại, lầu Bất Như Vi Xướng vẫn đứng vững không đổ, cũng đủ khiến người ta kinh ngạc.
Vẻ đẹp văn nhã của triều Đại Ngu rất được ưa chuộng trong dân gian, nhất là việc nữ tử học văn là chuyện thường tình ở nơi đây. Dục Tú Các và Chung Linh Đường do các phu nhân khai quốc lập ra vẫn thịnh vượng từ trước đến nay, nữ tử lấy việc có tài nghệ làm sự nghiệp. Điều này khiến phố hoa ngõ liễu phải trở nên văn vẻ theo, mỗi nơi bên trong không gọi là thi viện thì cũng gọi là văn quán.
Có người không hiểu phong nhã từng chê bai, nơi đây đâu có bằng mùi thịt thơm nồng của triều Tiền Ngụy ngày xưa...
Trong một mảng "thi văn", lầu Bất Như Vi Xướng đã giữ được chút bầu không khí nguyên thủy. Những kỹ nữ bên trong đều xinh đẹp và phóng túng, nói đến người giỏi văn chương, cũng không phải là không có, nhưng vẫn có rất nhiều kiểu người chỉ dựa vào sắc đẹp mà trở nên cuồng dại không kiêng nể gì trong chốn phong hoa tuyết nguyệt.
Hơn nữa, người chủ trong lầu xanh có thân phận rất bí ẩn. Có người nói đó là một thương nhân giàu có, có người bảo là cao thủ ẩn dật giang hồ, thậm chí còn có người đồn đó là một hoạn quan từ trong cung đi ra...
Nếu hỏi tại sao một Công chúa trong cung như ta lại biết những chuyện phong lưu này, thì đều là nhờ nghe được từ những câu chuyện của Hồ Cảnh Viêm - thư đồng của Nhị ca.
Bình luận
Bình luận
Bình luận Facebook